Cơ cấu Bộ_Hình

Nhà Đường

Quan đứng đầu bộ Hình là Thượng thư, hàm chính tam phẩm. Giúp việc có một Thị lang, hàm chính tứ phẩm hạ[2]. Hình bộ chia làm 4 ti, bao gồm[2]:

  • Hình bộ ti: Do Hình bộ Lang trung và Viên ngoại lang đứng đầu. Các chức danh này do Thượng thư và Thị lang trực tiếp đảm nhận, quản lý luật pháp, thẩm án và tấu nghị.
  • Đô quan ti: Do Đô quan Lang trung và Viên ngoại lang đứng đầu, quản lý ghi chép bắt giữ tội phạm, tù nhân, cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men.
  • Bỉ bộ ti: Do Bỉ bộ Lang trung và Viên ngoại lang đứng đầu, quản lý kinh phí, bổng lộc, tang vật.
  • Tư môn ti: Do Tư môn Lang trung và Viên ngoại lang đứng đầu, quản lý việc ra vào cổng thành,.

Năm Long Sóc thứ hai (662), Đường Cao Tông đổi Hình bộ ti thành ti Hình, Đô quan ti thành ti Phó, Bỉ bộ ti thành ti Kế, Tư môn ti thành ti Quan. Năm Quang Trạch thứ nhất (684), Đường Duệ Tông cho đổi Hình bộ ti thành Thu quan. Năm Thiên Bảo thứ mười một (752) Đường Huyền Tông đổi Hình bộ ti thành ti Hiến, Bỉ bộ ti thành ti Kế. Thành phần quan chức tại mỗi ti như sau:

  • Hình bộ ti: Hình bộ Chủ sự 4 người, Lệnh sử 19 người, Thư lệnh sử 38 người, Đình trưởng 6 người, Chưởng cố 10 người[2]
  • Đô quan ti: Đô quan Chủ sự 2 người, Lệnh sử 9 người, Thư lệnh sử 12 người, Chưởng cố 4 người[2].
  • Bỉ bộ ti: Bỉ bộ Chủ sự 4 người, Lệnh sử 14 người, Thư lệnh sử 27 người, Kế sử 1 người, Chưởng cố 4 người[2].
  • Tư môn ti: Tư môn Chủ sự 2 người, Lệnh sử 6 người, Thư lệnh sử 13 người, Chưởng cố 4 người[2].

Mông Nguyên

Thời kỳ đầu, quản lý bộ Hình gồm Thượng thư 3 người hàm chính tam phẩm, Thị lang 2 người hàm chính tứ phẩm, Lang trung 2 người hàm tòng ngũ phẩm, Viên ngoại lang 2 người hàm tòng lục phẩm[3]. Năm Trung Thống thứ nhất (1260) thời Nguyên Thế Tổ lấy Binh, Hình, Công làm hữu tam bộ với Thượng thư 2 người, Thị lang 2 người, Lang trung 5 người, Viên ngoại lang 5 người trong đó Lang trung và Viên ngoại lang đều 1 người chuyên quản Hình bộ[3]. Năm Chí Nguyên thứ nhất (1271), tách riêng bộ Công, vì thế Binh và Hình là một bộ với Thượng thư 4 người, Thị lang 2 người, Lang trung 4 người, Viên ngoại lang 5 người. Năm 1273, tái lập hữu tam bộ[3]. Năm 1277, lập riêng bộ Hình với Thượng thư, Thị lang và Lang trung đều 1 người, Viên ngoại lang 2 người[3]. Năm 1278, đổi thành Binh - Hình bộ. Năm 1283, lại lập bộ Hình. Năm 1293 thì Thượng thư, Thị lang, Lang trung, Viên ngoại lang đều chỉ có 2 người. Năm Đại đức thứ tư (1300) thời Nguyên Thành Tông, tăng thượng thư thêm 1 người. Trong cơ cấu bộ Hình gồm có Chủ sự 3 người, Mông Cổ Tất đồ xích 4 người, Lệnh sử 30 người, Hồi Hồi Lệnh sử 2 người, Khiếp lý mã xích 1 người, Tri ấn 2 người, Tấu sai 10 người, Thư tả 3 người, Điển lại 7 người[3].